Khánh Hòa: Ngành khách sạn “đỏ mắt” tìm nhân lực
Cập nhật: 29/06/2023
Từ đầu tháng 5 đến nay, lượng khách du lịch đến Nha Trang - Khánh Hòa đã tăng rất cao. Các khách sạn, khu nghỉ dưỡng đã phải “đỏ mắt” tìm kiếm nhân lực phục vụ, đặc biệt là nhân viên buồng phòng, nhà hàng…

Lượng khách du lịch hè đến Nha Trang tăng cao.

Nhiều lao động chọn làm công nhật

Hơn một tháng nay, Khách sạn Ariyana Nha Trang liên tục đăng tuyển nhân viên buồng phòng trên Facebook nhưng vẫn không tuyển đủ số lượng cần thiết. Khách sạn có 320 phòng, công suất phòng đạt hơn 80% nên quản lý khách sạn đành phải thuê công nhật để đủ người làm việc, giữ đúng chất lượng phục vụ. Tương tự, Khách sạn December (TP. Nha Trang) đang “đỏ mắt” tìm kiếm nhân sự. “Khách sạn có hơn 200 phòng với chỉ tiêu 110 nhân viên, nhưng đến nay mới chỉ tuyển dụng được hơn 80 người. Chúng tôi đang tuyển thêm số lượng nhân viên thiếu hụt, chủ yếu là ở bộ phận phục vụ buồng phòng và nhà hàng… Ứng viên chỉ cần đáp ứng yêu cầu chuyên môn là chúng tôi mời ký hợp đồng, cho hưởng luôn tiền phí phục vụ nhưng vẫn rất khan hiếm”, bà Lê Thị Thanh Thu - Tổng quản lý khách sạn December, Phó Chủ tịch Chi hội Khách sạn Khánh Hòa (Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa) chia sẻ.

Tình trạng thiếu hụt dẫn đến phải “ăn đong” về nhân lực đang là tình trạng chung của nhiều khách sạn ở Nha Trang - Khánh Hòa. Nhiều khách sạn đành phải thuê lao động theo công nhật nhưng cũng rất khó khăn, đặc biệt là các khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở khu vực Bãi Dài (huyện Cam Lâm). “Nhân viên buồng phòng, tạp vụ, sân vườn... hầu hết là người dân ở Cam Lâm, Cam Ranh do người lao động ở Nha Trang rất ngại đi làm ở Bãi Dài vì quãng đường di chuyển khá xa. Nhưng lao động địa phương trình độ tay nghề còn hạn chế, nhất là không biết tiếng Anh và không xác định làm việc lâu dài nên rất khó ổn định nhân sự. Hiện tại, các khách sạn ở Bãi Dài đều phải thuê thêm người làm công nhật”, bà Vũ Thị Hương Giang - Tổng quản lý lưu trú Alma resort chia sẻ.

Giá nhân viên phục vụ buồng phòng đã tăng từ 230.000 đồng lên 280.000 đồng/ca làm việc (8 tiếng); nhiều khách sạn ở khu vực Bãi Dài phải chấp nhận thuê nhân công với giá hơn 300.000 đồng/ca, có xe đưa đón và bao suất ăn. Theo ông Dương Thanh Phương - Phó Chủ tịch Chi hội Khách sạn Khánh Hòa, nhân viên làm nghề khách sạn đang có xu hướng thích làm công nhật hơn là ký hợp đồng dài hạn, chỉ có khoảng 30% người làm công nhật chấp nhận ký hợp đồng dài hạn với các khách sạn. Thậm chí có tình trạng các nhân viên đang trong hợp đồng lao động sẵn sàng nghỉ việc để đi làm công nhật.

Nhiều việc phải làm

Thực ra, việc thiếu hụt nhân sự của lĩnh vực khách sạn đã từng diễn ra ở mùa hè 2022. Nhiều chuyên gia du lịch đã lên tiếng cảnh báo về khả năng này sau đại dịch Covid-19. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú cũng đã lường trước tình trạng này, nhưng trong bối cảnh khó khăn về kinh phí buộc các khách sạn phải chấp nhận tuyển nhân sự theo lượng du khách. Đến hè năm nay, lượng khách đến Khánh Hòa tăng vọt, việc thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực khách sạn còn trầm trọng hơn. Theo quy định của ngành du lịch, bình quân các khách sạn cần 0,96 lao động/phòng (mỗi hạng sao sẽ có những quy chuẩn riêng); căn hộ du lịch là 1 lao động/căn hộ; các nhà nghỉ, homestay cần 0,69 lao động/phòng. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều khách sạn, căn hộ, nhà nghỉ du lịch trên cả nước chưa đạt tỷ lệ này. Và câu chuyện này không thể giải quyết trong một sớm một chiều mà cần phải có nhiều giải pháp.

Ông Võ Quang Hoàng - Chủ tịch Chi hội Khách sạn Khánh Hòa cho rằng, để thu hút nguồn nhân sự mới cũng như giữ chân nguồn nhân sự chất lượng hiện tại, các khách sạn đã đưa ra mức lương hấp dẫn và tăng quyền lợi cho nhân viên. Bên cạnh đó, khách sạn còn tìm hiểu và khuyến khích ứng viên, nhân sự định hướng lộ trình rõ ràng để có hướng đi lâu dài cùng công ty; bổ sung các chương trình đào tạo nhân sự phù hợp với từng bộ phận nhằm thu hút ứng viên, nâng cao năng lực nhân sự hiện tại. Trong khi đó, bà Vũ Thị Hương Giang cho rằng, về lâu dài, các khách sạn mong muốn có thêm nhiều trường dạy nghề về du lịch.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch, toàn tỉnh có hơn 1.150 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 55.000 phòng. Trong đó, có khoảng 100 cơ sở được xếp hạng 3 - 5 sao với 25.000 phòng, chiếm gần 50% tổng số phòng trên địa bàn tỉnh. Việc thiếu hụt nhân lực lĩnh vực khách sạn là vấn đề rất lớn, muốn giải quyết phải có sự hợp tác của nhiều ngành, nhiều đơn vị. Sở Du lịch sẽ có những tham mưu và đề xuất đối với tỉnh để tìm giải pháp mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực cho ngành du lịch. Tuy nhiên, để giải quyết được vấn đề này cần sự chủ động lớn từ các khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Trước mắt, các doanh nghiệp cần cải thiện về chế độ đãi ngộ để thu hút lao động; tăng cường phối hợp với các trường trong đào tạo nhân lực, “đặt hàng” cho các trường mở lớp bồi dưỡng và đào tạo nhân lực sẵn sàng đón lượng lớn khách quốc tế quay lại Việt Nam.

Xuân Thành

Báo Khánh Hòa - baokhanhhoa.vn - Đăng ngày 27/06/2023