Xây dựng thương hiệu du lịch và sản phẩm lưu niệm đặc trưng Sa Pa, Lào Cai
Cập nhật: 18/08/2010
Hội thảo xây dựng thương hiệu du lịch và sản phẩm lưu niệm đặc trưng của Sa Pa và Lào Cai do sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Lào Cai phối hợp với tổ chức phát triển Hà Lan tại Việt Nam (SNV) đã diễn ra 17/8/2010 tại khách sạn Sao phương bắc (Sa Pa).

Tham gia hội thảo có đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch của tỉnh Lào Cai, huyện Sa Pa, cùng các doanh nghiệp, hãng du lịch lữ hành lớn của tỉnh.

Theo đánh giá của những nhà tổ chức hội thảo, thì mặc dù khu du lịch Sa Pa đã nổi tiếng từ xưa đến nay, nhưng cách làm chưa bài bản, còn mang tính riêng lẻ, chưa xét đến khía cạnh tổng thể. Cũng có nghĩa “thương hiệu” Sa Pa mà mọi người vẫn thường biết đến, là yếu tố tự nhiên mang lại, còn sự tác động của con người đến việc xây dựng, củng cố và phát triển thương hiệu chưa được bao nhiêu. Đây cũng là vấn đề với du lịch Lào Cai. Tương tự như vậy, sản phẩm du lịch (không chỉ riêng Sa Pa, Lào Cai mà còn là vấn đề của nhiều nơi khác) còn nghèo nàn, đơn điệu, không đặc sắc…

Cũng theo ban tổ chức hội thảo, vấn đề xây dựng thương hiệu du lịch và sản phẩm lưu niệm Sa Pa nói riêng và du lịch Lào Cai nói chung, là cả quá trình, có tính kế thừa, phát triển liên tục và đặc biệt không thể thiếu vai trò quản lý Nhà nước và ý thức của người dân bản địa. Các đơn vị kinh doanh lữ hành sẽ là “cầu nối” để du khách có cơ hội thưởng thức, đồng thời góp phần quảng bá và phát triển thương hiệu; bổ sung, làm phong phú thêm chủng loại, mẫu mã sản phẩm du lịch…

Đa số ý kiến tại hội thảo cho rằng: “Thương hiệu” vừa mang tính độc lập, vừa có tính liên kết rất mạnh, nên khi xây dựng “thương hiệu” du lịch, cần xác định kinh tế du lịch có vai trò như thế nào đối với nền kinh tế, trên cơ sở đó xây dựng thương hiệu du lịch và nhóm các thương hiệu này không tách rời nhau. Để xây dựng thương hiệu, cần xét đến những yếu tố đặc sắc nhất địa danh đó (văn hóa truyền thống, điều kiện tự nhiên, phương thức canh tác nông nghiệp…).

Về vấn đề xây dựng sản phẩm lưu niệm, cần xét đến yếu tố văn hóa truyền thống, vừa mang đặc trưng vùng, miền trong tỉnh, vừa có tính đặc trưng của Lào Cai, đặc biệt là sản phẩm đó phải được du khách chấp nhận.

Các ý kiến đều đồng tình với ý tưởng của ngành văn hóa: Tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm lưu niệm.

Trong 1 ngày, hội thảo đã thu được kết quả quan trọng với nhiều ý kiến, ý tưởng hay, rất thực tế của đơn vị kinh doanh lữ hành, nhà hàng, khách sạn và cả từ hướng dẫn viên du lịch. Đặc biệt, ý kiến của nhóm cố vấn tổ chức phát triển Hà Lan tại Việt Nam với nhiều vấn đề mới để xây dựng thương hiệu du lịch Sa Pa và du lịch Lào Cai theo hướng bền vững, ấn tượng với du khách.

Hội thảo này là một phần trong công tác chuẩn bị nội dung phục vụ hội thảo phát triển thương hiệu du lịch và xây dựng mẫu hàng lưu niệm đặc trưng của tỉnh Lào Cai và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng được tổ chức vào ngày 18/8/2010 tại Sa Pa.
LCĐT