Lễ hội chùa Dâu hội tụ văn hóa tâm linh cư dân nông nghiệp
Cập nhật: 20/05/2013
Đến hẹn lại lên, từ mùng 6 đến mùng 8 tháng 4 âm lịch, người dân 3 xã: Thanh Khương, Trí Quả, Hà Mãn thuộc vùng Dâu - Luy Lâu (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) lại náo nức mở hội rước Phật Tứ pháp. Đây là một trong những lễ hội lớn và lâu đời nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ, phản ánh ước nguyện về một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, ấm no hạnh phúc.

Từ thành phố Bắc Ninh, xuôi Quốc lộ 38 qua cầu Hồ đến ngã tư Đông Côi, rẽ phải theo đường 282 khoảng 4km là về tới chùa Dâu (còn gọi là Pháp Vân Tự) thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành. Đây là trung tâm Phật giáo cổ nhất Việt Nam, nơi giao lưu của hai luồng văn hóa Phật giáo, một từ Ấn Độ sang, một từ phương Bắc xuống. Chùa được xây dựng từ thế kỉ thứ 2 (khởi công năm 187 và hoàn thành năm 226) dưới thời Sỹ Nhiếp làm Thái Thú, thờ nữ thần Pháp Vân gắn liền với huyền tích Tứ pháp của người Việt xưa.

Từ lâu, lễ hội chùa Dâu đã nức tiếng gần xa với lễ rước độc đáo, hoành tráng thu hút hàng vạn du khách thập phương đến dự hội. Vào ngày chính hội (mùng 8 tháng 4 âm lịch), nhân dân các làng trong vùng sẽ tổ chức rước tượng Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) từ chùa làng về tụ hội tại chùa Dâu. Sau khi làm lễ bái ở chùa Tổ thờ Phật Mẫu Man Nương, đám rước đi “tuần nhiễu” ba vòng khép kín từ Đông sang Tây mô tả chu kỳ quả đất xoay tròn, tạo ra bốn mùa. Nhiều người gọi nghi lễ này là trò “Mẹ đuổi con”. Điểm độc đáo nhất của lễ hội chùa Dâu là tục cướp nước. Hai kiệu Pháp Lôi (bà Sấm) và Pháp Vũ (bà Mưa) sẽ đua nhau chạy ra tam quan. Kiệu rước nào đến trước thì sẽ lấy được nước. Người dân xem ai về đích trước để dự báo mùa màng. Nếu bà Mưa thắng thì năm ấy được mùa còn nếu bà Sấm thắng thì năm ấy ruộng đồng lắm sâu bọ, làm ăn trắc trở. Đây được coi là hoạt động tín ngưỡng cầu thần Nước đặc trưng của người nông dân vùng đồng bằng Bắc bộ xưa.

Do điều kiện khách quan mà nhiều năm nay lễ rước hội Dâu không được tổ chức. Tuy nhiên, du khách về dự hội Dâu vẫn được chiêm bái một trong những ngôi chùa cổ, linh thiêng nhất Việt Nam và tham gia nhiều hoạt động văn hoá dân gian độc đáo, mang bản sắc đặc trưng vùng Kinh Bắc như: nghe hát quan họ trên thuyền rồng, hát ca trù, múa rối nước, đánh cờ người, thả chim bồ câu…

Ngoài ra, du khách cũng có dịp khám phá vùng đất Luy Lâu cổ với những hạng mục công trình kiến trúc nổi tiếng được Nhà nước công nhận như: Thành Luy Lâu, đền Sĩ Nhiếp, hệ thống chùa tháp, đền miếu, lăng mộ… Tất cả là những chứng tích về một thời kỳ kéo dài hàng chục thế kỷ dưới thời Bắc thuộc, nơi đây là chốn đô hội, thủ phủ của quận Giao Chỉ, trung tâm giao lưu kinh tế, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo của nước ta với các nước trong vùng những thế kỷ sau Công nguyên.

Ông Lê Xuân Bắc, Trưởng phòng Văn hoá huyện Thuận Thành cho biết: “Lễ hội chùa Dâu năm nay là một trong những hoạt động hưởng ứng Năm du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng 2013 của tỉnh Bắc Ninh. Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã có kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng cho lễ hội bảo đảm trang nghiêm, tiết kiệm nhưng vẫn giữ nguyên các giá trị truyền thống. Các lối vào di tích được tu bổ sạch sẽ, thông thoáng; khu hoá hương được đầu tư xây mới đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường; khu vực trông giữ xe quy hoạch rộng rãi thuận tiện cho du khách thập phương tới thăm quan, chiêm bái. Đặc biệt, chương trình lễ hội năm nay được bổ sung thêm nhiều nét mới nhằm giới thiệu những đặc sắc văn hoá cũng như tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách về sự nhiệt tình, mến khách của mảnh đất Bắc Ninh.”  

Báo Bắc Ninh