Nhiều hoạt động văn hoá tại Lễ hội trên mây- Sa Pa 2007
Cập nhật: 15/04/2007
Lễ hội trên mây - Tuần văn hoá du lịch Sa Pa năm 2007 chính thức diễn ra vào sáng 14/4/2007 với nhiều hoạt động văn hoá thể thao quần chúng mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc.

Sau những ngày mây mù, sáng 14/4/2007, Khu trung tâm thị trấn Sa Pa (Lào Cai) trời nắng đẹp. Đông đảo du khách trong nước và quốc tế đã nô nức đến hội chợ văn hoá ẩm thực làng quê, chứng kiến tài nấu nướng của các đầu bếp và thưởng thức các món ăn ngon, độc đáo.

Hội chợ năm 2007 có sự tham gia của 8 Hội Nông dân đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc là Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Hoà Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Lai Châu và Phú Thọ. Tại hội chợ, 31 đầu bếp trực tiếp nấu 78 món ăn đặc trưng vùng miền như: thắng cố, bánh chưng đen; xôi 7 màu; thị trâu xào măng; khau nhục; cơm lam; phở chua; gỏi cá hồi; thịt trâu sấy; rượu dân tộc làm từ hoa của cây mật mông; canh lóong; khoai tàu bản… Ban Tổ chức cho biết, mục đích của Hội chợ lần này nhằm trình diễn, quảng bá các món ăn truyền thống của gần 30 dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng núi Tây Bắc; qua đó tiếp thị, giới thiệu hình ảnh văn hoá ẩm thực của đồng bào với khách du lịch gần xa.

Diễn ra đồng thời với Hội chợ văn hoá ẩm thực làng quê, “Lễ hội trên mây 2007” cũng đã được UBND tỉnh Lào Cai tổ chức tại khu du lịch núi Hàm Rồng-thị trấn Sa Pa. Sau phần lễ, khán giả được thưởng thức màn hát múa “Sa Pa vào hội” do nghệ nhân các dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy, Xa Phó thực hiện. Phần Hội với 3 chương: Chương 1 có tiêu đề “Rực rõ sắc hoa”, 10 thiếu nữ mặc áo choàng màu trắng diễn tả cảnh người Mông xuống chợ, thấp thoáng trong mây bay. Sau đó, hơn 30 diễn viên nam, nữ trong trang phục hai màu đỏ, hồng múa kết thành bông hoa khổng lồ, diễn tả mùa xuân Lào Cai, mùa hoa đào rừng nở rực rỡ trên các triền núi cao Sa Pa; Chương 2 có tên gọi “Lửa ấm tình người”, diễn tả lại lễ hội Gầu Tào với những màn biểu diễn múa khèn Mông làm ngây ngất lòng người; Hơn 60 chàng trai, cô gái các dân tộc Dao, Giáy, Tày và Xa Phó tiếp nối với màn múa hát giã cốm giao duyên, gảy đàn tính và miêu tả cảnh rước dâu độc đáo của người Dao đỏ Tả Phìn (Lào Cai). “Nụ cười đón khách” là màn trình diễn cuối cùng trong phần Hội.

Rời lễ hội trên mây, du khách đến với các trò chơi dân gian gồm kéo co, đẩy gậy, ném còn, bịt mắt bắt dê, bắn nỏ, đi cà kheo, xem người dân địa phương trình diễn một số nghề thủ công truyền thống gắn bó với cuộc sống lao động thường ngày của đồng bào vùng cao như xe lanh dệt vải, thêu thổ cẩm. Nhân dịp này, Phòng du lịch thị trấn Sa Pa tổ chức trưng bày hoa và cây cảnh, triển lãm ảnh Sa Pa xưa và nay, giới thiệu hướng phát triển du lịch sinh thái, văn hoá của địa phương thời gian tới.
TTXVN