Bắc Ninh: Phát hiện tượng rồng tại khu vực đền thờ Lê Văn Thịnh
Cập nhật: 13/04/2010
TS Nguyễn Đương Bắc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh vừa cho biết, kết quả thám sát khảo cổ học khu vực đền thờ Lê Văn Thịnh, vị trạng nguyên đầu tiên của Việt Nam thời Lý tại thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình (Bắc Ninh).

Thám sát ở 3 địa điểm với diện tích gần 30 m2, đã phát hiện ở hố thứ nhất, ngay tại độ sâu 45 cm có một khúc thân rồng, phần chân hoàn toàn nguyên vẹn (dài 60 cm, cao 35 cm, rộng 40 cm) bằng chất liệu là đá cát, phong cách điêu khắc tương tự với khối rồng đá được phát hiện vào năm 1991.

Được biết, khối rồng đá phát hiện vào năm 1991 (nay để trong một am thờ ở trong đền) đã làm kinh ngạc công chúng và các nhà nghiên cứu. Tác phẩm này thể hiện hình tượng rồng rất lạ: Phần thân thể bị chặt thành khúc, phần đầu rồng với răng và nanh vuốt sắc như dao kiếm đang ở trong tư thế tự cấu xé thân thể mình như muốn tự vẫn bằng mọi giá. Nhiều người cho rằng tượng đã thể hiện nỗi oan khiên của ông trạng khai khoa - thái sư Lê Văn Thịnh trong vụ án “hóa hổ” trên hồ Dâm Đàm (tức hồ Tây) vào thời Lý (ông bị vu cho là hóa hổ để giết vua và bị lưu đày. Nỗi oan này sau đó đã được giải).

Ở hố thứ hai ngay sát móng của vách trái nhà để rồng đá ở độ sâu 50 cm, đã phát hiện một khúc rồng đá dài 50 cm, trên mình có vảy, phần thân tương đối tròn, đường kính 30 cm, chất liệu đá cát, trên thân còn sót lại một bàn chân 20 x25 cm có móng vuốt sắc nhọn bám chặt vào thân. Cũng tại hố này còn phát hiện mảnh đuôi của con sấu đá (thường được trang trí hai bên tam cấp trên khu vực cửa chính đi vào các di tích đình, đền, tam quan...) dài 50 cm, rộng 34 cm, chất liệu đá xanh có niên đại khoảng thế kỷ thứ 17 - 18.

Căn cứ vào chất liệu của rồng và sấu cũng như những đặc điểm loại hình và hoa văn trang trí, tác giả cho đây là những hiện vật được dùng để trang trí trên bờ dải và nóc mái của một công trình kiến trúc thời Lê thế kỷ thứ 17.
Thể thao văn hóa